Glôcôm là nguyên nhân thứ 3 gây mù sau đục thủy tinh thể và các bệnh đáy mắt. Vì thế, cần hiểu rõ, nhận biết triệu chứng sớm của bệnh để có giải pháp khám bệnh và chữa trị kịp thời.
Ai trong mỗi chúng ta cũng có lúc nhức mắt, nặng mắt, mờ mắt… thoáng qua. Tuy nhiên, đôi khi những triệu chứng này có thể là những triệu chứng sớm của bệnh Glôcôm (còn gọi là bệnh cườm nước, thiên đầu thống).
Contents
Tìm hiểu chung về bệnh Glôcôm
Qua điều tra RAAB (Rapid Assessment of Avoidable Blindnes) năm 2007, tỉ lệ mù hai mắt do Glôcôm ở người > 50 tuổi chiếm 6,5%. Trong các nguyên nhân gây mù hai mắt, bệnh Glôcôm đứng vị trí thứ 3 (chiếm 4%) sau bệnh đục thể thủy tinh (7,4%) và các bệnh bán phần sau (6,3%). Hiện Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm.
Bệnh Glôcôm là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng và cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục.
Xem thêm: Chăm sóc mắt sau mổ Glocom
Triệu chứng cơ bản có thể nhận biết sớm của bệnh Glôcôm
Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, Glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.
– Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.
– Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.
– Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.
– Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh Glôcôm kèm theo hay không.
Ngoài ra, người mắc bệnh Glôcôm có thể có thêm một số triệu chứng như:
– Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt.
– Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động.
– Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần.
– Đau nhức hốc mắt.
– Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm.
– Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi.
– Nôn hoặc buồn nôn.
Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Khuyến nghị
Khi có một hay cùng một lúc xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ cho đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng và cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh… để xác định bạn có những tổn thương do Glôcôm hay không.
Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh nêu trên cũng cần đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để được phát hiện sớm bệnh Glôcôm.
Vì bệnh Glôcôm là bệnh gây giảm thị lực vĩnh viễn, do đó việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều) sẽ giúp bệnh nhân bảo tồn được thị lực tốt hơn.
Đối tượng dễ mắc bệnh Glôcôm
Glôcôm là bệnh không phân biệt lứa tuổi và chủng tộc. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và cần được kiểm tra mắt thường xuyên là:
– Người trên 40 tuổi;
– Người có bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp;
– Người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh Glôcôm;
– Người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ;
– Người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt,…
nguồn: https://www.matsaigon.com/trieu-chung-som-benh-glocom/